Mô phỏng các cơ cấu cơ khí của thầy Nguyễn Đức Thắng
Xin giới thiệu sách điện tử tiếng Việt:

1700 CƠ CẤU CƠ KHÍ ĐÃ MÔ PHỎNG

Định dạng PDF ZIP, 11 MB.
Mỗi cơ cấu có hình vẽ 3D, mô tả tóm tắt và đường dẫn, kích vào là đến video minh họa trên YouTube. 
Tác giả: Nguyễn Đức Thắng
370 trang, 3 phần
Phần 1: Truyền chuyển động quay liên tục
Phần 2: Biến đổi dạng chuyển động
Phần 3: Các cơ cấu khác (đồ gá kẹp, đồ gá đo kiểm, đồ gá cấp phôi, …)

Đây là danh mục phân loại các video cơ khí thuộc kênh thang010146 YouTube của cùng tác giả.

Sách có thể có ích cho những ai
- làm việc với các cơ cấu cơ khí
- thích giải trí với các cơ cấu cơ khí

Sách sẽ được bổ sung theo định kỳ nửa năm hoặc một năm một lần (chừng nào còn có thể vì tác giả già rồi).

Bản cập nhật đến ngày 30 tháng 12 năm 2014 có tại
http://www.mediafire.com/download/05...b/1700AMMv.zip
Hoặc
http://www.mediafire.com/download/96...MMv%282%29.zip

Bản tiếng Anh có tại
http://www.mediafire.com/download/gq...w/1700AMMe.zip


► Quảng cáo vui:

1. Sách viết bằng tiếng Việt, trình ngoại ngữ của bạn không có nơi phát triển.
2. Cơ cấu có hình màu 3D và video minh họa nên vài phút hiểu ngay, không tốt cho trí tưởng tượng.
3. Cơ cấu được chọn từ nguồn kinh điển và hiện đại khắp thế giới, hạn chế thú vui tìm kiếm dài dài trên mạng.
4. Tải về miễn phí, tước mất của bạn ham muốn trả tiền cho tác giả nghèo khó.
5. Sách không đăng ký bản quyền, dùng tùy thích, không sợ luật sở hữu trí tuệ.
6. Do người Việt viết nên hãy “Người Việt dùng hàng Việt”.
7. Tránh dùng sách khi rớt mạng.


► Bàn về “Kho cơ cấu”
(gọi “Thư viện cơ cấu” văn hơn song không chính xác vì còn các thứ ngoài sách)

Người làm cơ khí luôn cần một kho chứa tất cả các loại cơ cấu để bắt chước mà áp dụng. Sách giáo khoa chỉ dạy phần cơ bản, không đáp ứng được yêu cầu này. 
Có các dạng kho: sách (văn bản), hiện vật và video.

Sách cho biết cơ cấu qua chữ và hình. Chúng có nhiều, ví dụ các cuốn: 

1. Henry T. Brown, 507 Mechanical Movements, New York 1908,122 p.
2. С. Н. Кожевников и другие, Механизмы, Москва, 1956, 1060 стр.
3. I. Artobolevski, Les Mécanismes dans la Technique Moderne, Moscou 1977, 7 tomes. 
4. А. Ф. Крайнев. Словарь Справочник по Механизмам, Москва, 1987, 561 стр.
5. Sclater & Chironis, Mechanisms And Mechanical Devices Sourcebook, 2001, 485 p.
6. 1800 Mechanical Movements, Devices and Appliances 16th ed - G. Hiscox (Dover, 2007) BBS

Tài liệu số 2 rất tốt vì chứa 2030 cơ cấu với hướng dẫn lý thuyết đầy đủ, hình rõ, chính xác. Các quyển còn lại không sao bằng được. Nó là sản phẩm của thời Xô viết, tiếng Nga, nay ít người biết và chắc sẽ chẳng có ai dịch sang tiếng Việt, thật tiếc. Sách thời bao cấp, rẻ, bán như cho. Cuốn này có lẽ còn lưu ở Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương, Hà Nội. Cũng có thể tải về từ Internet.

Ngoài ra còn sách cơ cấu chuyên ngành. Ví dụ đồ gá máy cắt kim loại, khuôn rèn dập, …
Một nguồn nữa là kho sáng chế phong phú trên Internet hay ở Cục Sáng chế. Song tìm được ở đây thứ mình cần không dễ. Bản mô tả sáng chế thường viết dài để bảo hộ quyền lợi tác giả, không nhằm phổ biến kiến thức. 

Hiện vật giúp dễ hiểu cơ cấu hơn, nhất là khi nó chạy được. Nhưng nếu cơ cấu nằm bên trong máy thì cũng khó đoán. Hiện vật chỉ để một chỗ nên ít tính phổ cập. 
Franz Reuleaux (1829-1905), Chủ tịch viện Hàn lâm Kỹ thuật Hoàng gia Berlin, đã thiết kế chế tạo hơn 300 cơ cấu mẫu, còn lưu ở các nước châu Âu cho sinh viên học. Trường Đại học Kỹ thuật Bauman Matscơva cũng có một bộ hơn 500 cơ cấu làm từ thế kỷ 19.
Các nước tiên tiến có bảo tàng kỹ thuật, cũng là kho cơ cấu để người xem học.
Nay máy in 3D sẵn, làm kho cơ cấu dễ hơn. Trường cơ khí nào ở ta làm được việc này để học sinh khỏi học chay thì thật tốt. 

Không có những thứ trên thì khi cần tìm hiểu cơ cấu nào chỉ còn cách tham quan nhà máy. Thời bao cấp việc này dễ. Máy móc là tư liệu sản xuất, thuộc sở hữu toàn dân. Có giấy giới thiệu, không cần quen biết, cho xem ngay. Kỹ thuật gặp nhau, nước nôi vui vẻ, hướng dẫn tận tình. Nay thời kinh tế thị trường, việc này hiếm. 

Video, mới phát triển, rất tiện cho việc tìm hiểu cơ cấu. Một video tốt cho thấy từng chi tiết, thấy cơ cấu hoạt động từ mọi hướng, thấy cách tháo lắp, … sau vài phút là hiểu. Còn đọc sách, xem hình có khi nghĩ mãi không ra nguyên lý. 
Nói video tốt để phân biệt với video quảng cáo, chỉ phô tính năng để bán hàng, ít làm rõ nguyên lý hoạt động.
Có hạn chế là trình bày lý thuyết, tính toán ở video không được thuận tiện. 
Trên Internet có vài bộ sưu tập video cơ cấu nhưng còn nghèo nàn.
Một bạn ở Na Uy viết cho tôi về dự định lập trang Web thư viện cơ cấu, tập hợp các nguồn video hiện có. Nếu thành công thì đây là một kho cơ cấu tiện dụng cho cả thế giới. Chẳng hiểu vì sao đến nay các nước giàu chẳng làm. Lúc nào có trang Web này tôi sẽ báo cho diễn đàn. 

Như vậy cuốn “1700 cơ cấu đã mô phỏng” nói trên là dạng sách-video.
Nguồn : Meslab.org